Truy cập nội dung luôn
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN






Thông kê truy cập Thông kê truy cập

Đang online: 1681
Lượt truy cập trong tuần: 1614
Lượt truy cập trong tháng: 3566
Lượt truy cập trong năm: 37394
Tổng số truy cập: 978215

VĂN HÓA XÃ HỘI VĂN HÓA XÃ HỘI

Di tích lịch sử ĐỀN SÁI, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội
Ngày đăng 25/09/2022 | 19:48  | Lượt xem: 8585

LINH THIÊNG ĐỀN SÁI

 

LINH THIÊNG ĐỀN SÁI

 

Ảnh: Tam quan Đền Sái

    Đền Sái hay còn có tên chữ là “Huyền Thiên đại quán” hay “Chân linh quán” thuộc thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Quốc gia theo Quyết định số 15/VH/QĐ/1986 ngày 27/01/1986 của Bộ Văn hóa. Di tích Đền Sái là một công trình kiến trúc được xây dựng khoảng từ thời Lê để phụng thờ vị thần là Huyền Thiên Trấn Vũ, người có công giúp vua Thục An Dương Vương trừ ác quỷ để xây thành Cổ Loa;

     Đền Sái thuộc thôn Thuỵ Lôi, trước đây là làng Nhội hay còn gọi là kẻ Nhội, với các tên khác là Ma Lôi, Xuân Lôi là một quần cư đông dân đã được định hình và phát triển từ rất lâu đời. Mảnh đất Thuỵ Lôi đã từng in đậm nhiều chứng tích lịch sử và có nhiều huyền thoại. Người dân Thuỵ Lôi trải bao đời duy trì định cư ở mảnh đất này, các dòng họ lớn của làng còn lưu giữ gia phả minh chứng lịch sử hình thành và phát triển của họ đã có hàng trăm năm. Với vị trí phía bắc của kinh đô Cổ Loa và kinh đô Thăng Long, mảnh đất Thuỵ Lôi có vị trí khá đặc biệt. Thuỵ Lôi - núi Sái (Thất Diệu sơn) - đền Sái ghi đậm dấu tích những trận chiến ác liệt và chiến công oai hùng của danh tướng Lý Thường Kiệt, vị tướng tài danh đã chỉ huy quân dân Đại Việt đánh tan đội quân xâm lược nhà Tống trên chiến tuyến sông Cầu ở thế kỷ XI, kìm hãm vó ngựa quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Đền Sái ở vị trí rất gần với kinh đô Cổ Loa, tính theo đường chim bay chỉ khoảng 5 km. Kinh đô Cổ Loa là trung tâm nước ta thời Âu Lạc ở thế kỷ III trước Công nguyên. Căn cứ nguồn tư liệu thành văn hiện còn lưu giữ tại di tích, sử sách và truyền thuyết dân gian cho biết đền Sái thờ thần Huyên Thiên Trấn Vũ, một vị thần được nhiều địa phương trong cả nước phụng thờ. Thời Lý thần được phong là vị thần trấn giữ phía bắc kinh thành Thăng Long, một trong Thăng Long tứ trấn: phía bắc có Huyền Thiên Trấn Vũ; phía đông là thần Bạch Mã; tây là Linh lang đại vương; nam là Cao Sơn đại vương. Đền Sái còn lưu lại truyền tích: Việc định đô xây thành Cổ Loa thời An Dương Vương để kháng chiến chống ngoại bang. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" Tập 1 - NXB Khoa học xã hội - Hà Nội trang 121 - 122 có đoạn viết "Bấy giờ Thục Vương đắp thành ở Việt thường rộng ngàn trượng cuốn tròn hình ốc nên gọi là Loa thành. Thành xây cứ đắp xong lại sụp, vua lấy làm lo, mới lập đàn trai giới để cầu khấn trời đất và thần kỳ núi sông rồi khởi công đắp lại... Vua cầu mộng gặp rùa vàng (thần Kim Quy) hỏi về nguyên do thành sụp được thần đáp: ấy là do tinh khí núi sông vùng này bị con vua trước phụ vào để báo thù trước nấp ở Thất Diệu núi có con quỷ chúng có thể gọi nhau họp đàn lũ làm cho sụp thành... Vua An Dương Vương đích thân đến núi Thất Diệu để trừ yêu quái. Từ đấy đắp thành không quá nửa tháng thì xong...". Trong các sách như "Lĩnh Nam trích quái", "Lịch triều hiến chương loại chí", "Đại Nam nhất thống chí" đều có ghi nhận sự việc An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa và việc vua đến núi Thất Diệu cùng thần trừ tinh gà trắng phá thành. Như vậy, nếu lược bỏ các yếu tố thần thoại, huyền bí thì một sự thực lịch sử có thể khẳng định là việc xây thành của vua Thục có liên quan mật thiết đến núi Sái (Thất Diệu sơn). Lịch sử có sự gán đặt hình tượng cụ thể cho nhân vật lịch sử như truyền tích ở đền Sái là điều hiển nhiên và dễ hiểu. Để ghi nhận công tích của mình, An Dương Vương đã ghi nhận bằng sự ra đời của huyền tích núi Sái để ghi nhận chiến công của mình bằng một vị thần cụ thể: Sự trợ giúp của thần Huyền Thiên Trấn Vũ trừ Bạch Kê Tinh giúp nước là cụ thể cũng như sự thần thoại hoá sự thật lịch sử. Tinh gà trắng, hồn con vua trước có thể hiểu là các thể lực chống đối triều Thục tụ tập, quấy nhiễu việc xây thành, định đô dựa vào núi rừng và các yếu tố thiên nhiên vùng này. Khảo cứu các ghi chép về nhân vật lịch sử Huyền Thiên Trấn Vũ có khá nhiều, đặc biệt là khảo cứu của tác giả Quỳnh Chi trong sách "Danh nhân Hà Nội" đã ghi điển tích về nhân vật lịch sử này. Thần nhiều lần hiển linh giúp nước.

     Cùng với các nguồn tư liệu nêu trên, truyền tích dân gian lưu truyền xoay quanh câu chuyện thành Huyền Thiên giúp nước ở quanh núi Sái, sự tích các bến Đò Lo, cầu Tía, cầu Hồng, chợ Chờ, Thu Thuỷ... là các địa danh đều phản ánh sự tích liên quan đến Đền Sái. Đặc biệt là việc ghi nhận qua lễ hội thôn Nhội - Thuỵ Lôi rước vua tế lễ đền vào tháng giêng là việc lưu giữ và phản ánh cụ thể về lịch sử của đền Sái. Lễ hội rước vua diễn tả việc vua An Dương Vương giao cho dân Nhội thay mình làm lễ, tế bái yết thần Huyền Thiên Trấn Vũ.

     Sách "Hà Nội từ điển" có đoạn ghi "Thần Trấn Vũ là hiện tượng kết hợp nhân vật thần thoại Việt Nam (ông thánh đã giúp vua An Dương Vương trừ ác quái phá việc xây thành Cổ Loa) và nhân vật thần thoại Trung Quốc (ông thánh coi giữ phương bắc)".

     Khảo cứu thêm về truyền tích ở Thuỵ Lôi - đền Sái có tích nói rằng: Khi Huyền Thiên giáng trần, ngài đã tu ở núi Thất Diệu. Trên núi có am tu của thần nên có thêm tên là Sãi (chỉ việc Sãi tu) rồi sau này được đọc chệch thành Sái. Qua nội dung một số thư tịch và văn bia hiện còn lưu lại di tích cũng cho biết về các tên gọi của di tích như "Huyền Thiên đại quán", "Bia chân linh quán" dựng thời Mạc Hưng Trị thứ 3 (1590) có nội dung ghi đền Sái là một Đạo quán - Đạo Lão tu tiên. Sự hoà nhập tín ngưỡng tôn giáo dân gian với đạo Lão được phản ánh qua nội dung thờ tự ở di tích khá rõ nét, cũng giống như đền An Dương Vương ở khu di tích Cổ Loa có cùng một tên gọi là "Tiên từ đệ nhất". Dù có sự hoà nhập, đan xen trong việc thờ cúng nhưng sự tôn vinh vị thần có công giúp nước vẫn được duy trì và tôn vinh bảo lưu trường tồn với thời gian. Thông qua nội dung các câu đối ở đền cho thấy rõ điều đó, cụ thể như sau:

     Loa thành bán nguyệt thành Thục sử chí kim truyền hiển tích

     Quy lĩnh thiên thu trĩ, Xuân Lôi tự cổ nghiễm linh từ

     Nghĩa là:

     Thành ốc nửa tháng xây xong, dấu lạ còn ngời trang sử Thục

     Núi Rùa muôn thuở vững, đền thiêng mãi rạng đất Xuân Lôi

                                                                                               (Tiến sỹ Hoa Đường)

     Hoặc câu:

Quy lĩnh hiển linh, dương quy tướng trang nghiêm trừ kê sùng, Nam bang bình yên vạn cổ

Loa thành hoàn trúc, trứ hoàng bao chỉnh túc đáp thần công, Thục triều vọng bái trường xuân

     Nghĩa là:

     Rùa vàng hiển linh, quân tướng trang nghiêm trừ kê tinh, đất Nam được bình yên muôn thuở

     Loa thành xây đắp, nhà vua nghiêm túc đáp công thần, triều Thục vọng bái muôn đời.

     Xét về thế quân sự với khoảng cách không xa lại có các gò nên đền Sái như một ụ luỹ phòng vệ từ xa cho thành Cổ Loa về phía bắc. Vị thế đó đã có ý nghĩa lớn với việc bố phòng quân sự, tạo nên sự lợi hại ưu thế cho thành Cổ Loa khi quân dân Âu Lạc kháng chiến chống lại quân xâm lược Triệu Đà. Đền Sái còn có các dấu tích và các sự kiện lịch sử ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La xây dựng kinh thành Thăng Long, năm 1011 (niên hiệu Thuận Thiên thứ 2) vua Lý đã đến đền Sái và sau đó cho rước duệ hiệu đức Huyền Thiên từ đền Sái về xây đền ở cạnh hồ Tây phía bắc thành Thăng Long (Tức đền Quan Thánh - Trấn Vũ) tôn vinh là vị thần trấn giữ phía bắc cho kinh thành Thăng Long. Năm 1049 vua Lý Thánh Tông đã có lần đến thăm đền, năm 1076 - 1077 Lý Thường Kiệt cho lập chiến tuyến Như Nguyệt - sông Cầu, núi Sái là một vị trí đóng giữ rất sung yếu của quân ta trong phòng tuyến chặn giặc. Có các trận chiến đấu ác liệt đã xảy ra quanh núi Sái, điều đó đã được phản ánh trong ca dao ở địa phương như:

     " Bên kia giáo trước giáo sau

      Bên này giáo lửa đánh nhau tơi bời"

     Hay:

"Đánh giặc thì đánh qua sông

Đừng đánh qua đồng, nát lúa người ta

Đánh giặc thì đánh qua Xà

Đừng đánh qua Nhội, nát nhà kẻ Dâm"

(chữ Xà, Nhội, Kẻ Dâm là các địa danh ở Thuỵ Lâm)

     Như vậy trong thời kỳ kháng chiến chống Tống của nhà Lý, chống Nguyên của nhà Trần, đền Sái - Thuỵ Lôi - Thuỵ Lâm là mảnh đất đã chứng kiến nhiều trận chiến ác liệt của quân dân ta.

Ảnh: Mái Nhà Tiền tế Đền Sái

     Đền Sái toạ lạc trên ngọn núi Thất Diệu, rộng, thoáng đãng, giữa cánh đồng lúa. Đền quay hướng nam. Các bộ phận cấu thành di tích bao gồm: một khu rừng cây bao bọc, phía trước có hồ nước, xung quanh di tích có nhiều cây cổ thụ như đa, gạo và phía trước là cánh đồng làng, các công trình của đền gồm: sân và khu kiến trúc có các nếp nhà ngang dọc tạo thành. Các công trình kiến trúc được bố cục liền kề nhau liên tiếp từ chân núi đến đỉnh núi. Theo thuyết phong thuỷ thế đất được chọn để xây dựng đền là thế "quy xà hợp hình" rất đắc địa núi Thất Diệu có thế hình "rùa" và hình "xà" (rắn) được hình thành bởi con lạch chạy bao quanh chân núi và quy tụ thuỷ ở trước cửa đền. Từ chân núi có các bậc thềm dẫn lên cổng nghi môn ngũ quan, hai bên lối đi có hai giếng nước hình tròn, dân làng gọi là "mắt rùa". Hai bên bậc thềm có hàng cây cổ thụ quanh năm toả bóng mát.

     Cổng nghi môn kiểu ngũ quan được xây dựng vào thời Nguyễn bằng cạch kiểu hai tầng, mở 5 cửa ra vào kiểm vòm cuốn, ba cửa chính giữa rộng và cao. hai cửa bên nhỏ hẹp hơn. Tầng trên mở ba cửa kiểu vòm cuốn, có mái chồng diêm lợp giả ngói âm dương, các trụ đỡ mái xây hình vuông. Chính giữa cổng ngũ quan mặt ngoài đề bốn chữ Hán "Chu khai, xương hạp", mặt trong cũng đề bốn chữ "Huyền Thiên đại quán". Hai cửa bên của cửa chính, một bên cửa đề chữ "hữu thiên môn", bên kia đề "tả thiên môn". Hai cửa phụ đề chữ Thịnh hỷ và Nghi hỷ. Du khách từ xa có thể nhìn thấy cổng tam quan hiện rõ dưới những rừng cây, đồng lúa. Các nhà sử học, khảo cổ học, kiến trúc sư đã xác định cổng ngũ quan đền Sái là một trong những công trình kiến trúc đẹp, cổ kính và hiếm hoi ở miền Bắc còn lại được sau mấy trăm năm chiến tranh liên miên, đặc biệt là sau những đợt tiêu thổ kháng chiến. Năm 1942 cổng nghi môn được tu sửa lại theo lối cổ được miêu tả lại trong nội dung văn bia hiện gắn trên tường cổng ngũ quan. Năm 2001 - 2002 cổng được tu sửa phần mái và chữ Hán.

     Cổng xây kiểu cổng nghi môn tứ trụ hai trụ lớn tạo một lối đi rộng dẫn vào đường chính đạo đi thẳng vào gian giữa đại bái. Đỉnh hai trụ lớn đắp hình 4 chim phượng đầu quay bốn hướng đuôi chụm vào nhau tạo thành hình chái giành cách điệu dưới là hình mui luyện và phần lồng đèn có các ô trang trí hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) phần thân trụ tạo vuông mặt trụ đắp nổi câu đối chữ Hán. Từ cột trụ lớn xây bức tường nối sang cột trụ nhỏ khoảng giữa hai cột xây cửa kiểm vòm cuốn, trên diềm tường trang trí hoa văn chữ triện, mặt tường hai bên cửa đi ở mặt ngoài trang trí tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai) và hình võ tướng đắp dạng phù điêu. Mặt trong cũng trang trí hình tứ quý. Hai trụ nhỏ kiểu lồng đèn đỉnh trụ đắp tượng lân chầu.

     Qua cổng thẳng đường trục thần đạo là nhà Kính thiên, một công trình kiến trúc độc đáo đã bị phá hỏng trong chiến tranh, đến năm 1983 nhà Kính thiên được dựng lại trên nền cũ, với kiến trúc nhà hai gian xây bằng gạch, có sáu đầu đao cong vút mềm mại. Phía sau nhà Kính thiên là đền chính gồm: Tiền tế, trung đường và hậu cung.

     Nhà tiền tế trước đây có quy mô lớn 7 gian, nay thu hẹp còn năm gian hai chái xây kiểu nhà có mái hạ đao. Mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đốc mái đắp hình rồng đuôi xoắn miệng ngậm bờ nóc tạo cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng cho công trình kiến trúc. Nhà tiền tế xây trên nền cao hơn mặt sân 50 cm xung quanh bó vỉa gạch, phía trước xây ba bậc (tam cấp) lên nền nhà. Nội thất bốn hàng chân cột gỗ đỡ mái kiểu "thượng thu - hạ thách", các cột gỗ đặt trên chân tảng đá hình vuông, nền nhà lát gạch vuông. Kết cấu vì làm theo kiểu "chồng rường". Nhà Trung đường 5 gian, hai chái có đao cong mái lợp tế sơn son thiếp vàng mang phong các nghệ thuật thế kỷ XIX. Cửa cung cấm làm bốn cánh ở gian giữa, cửa lửng kiểu "thượng song - hạ bản", đặc biệt được chạm khắc trang trí khá công phu hình tứ linh, tứ quý dạng phù điêu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

     Toà hậu cung một gian hai chái xây chạy dọc về phía sau một đầu ăn mộng với gian giữa nhà trung tế tạo thành hình chữ đinh. Nhà xây kiểu mái đao, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, có hai bộ vì kèo gỗ đỡ mái đặt trên 4 cột gỗ và tương xây bổ trụ, các vì kèo làm kiểu "chồng rường". Giữa hậu cung bài trí ban thờ thành hoàng làng, bằng sàn gỗ, nền nhà lát gạch cổ, các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu giám định gạch có niên đại thời Lê.

     Trang trí trên kiến trúc tập trung vào các con rường, đấu kê, chủ đề trang trí thể hiện phong phú, ngoài việc làm tăng giá trị thẩm mỹ cho công trình kiến trúc còn tạo ra cảm giác thanh thoát cho khối kiến trúc gỗ của đền.

     Trong quần thể khu di tích đền Sái hiện nay còn có đền Thượng và Chùa Sái.

     Đền Thượng nằm ở bên ngoài đền thờ Huyền Thiên; Đền Thượng thờ Cao Sơn thời Hùng Vương dựng nước, thần Cao Sơn cũng là một vị thần trong Thăng Long tứ trấn. Đền Thượng là một bộ phận kiến trúc không tách rời trong tổng thể kiến trúc đền Sái. Đây là quán Ngộ Không, nơi vua An Dương Vương và Thanh Giang sứ Kim Quy đã chém đầu Bạch Kê Tinh theo truyền tích. Hiện nay ở phía sau đền Thượng còn phiến đá kê ướm gươm tượng trưng cho việc chém đầu tinh gà trắng phá thành được diễn tả lại trong lễ hội rước vua ở Thuỵ Lôi hàng năm. Cùng với đền Thượng có gò Mô Vọng tương truyền là vua Thục bái vọng lên đức thánh Huyền Thiên. Nằm ở dưới chân núi Sái làm kiểu tiền chữ nhất hậu chữ công. Hai nếp nhà làm song song. Nhà tiền tế và trung đường xây kiểu tường hồi bít đốc, mỗi toà năm gian kết cấu bốn hàng chân, các vì kèo đỡ mái kết cấu đơn giản. Toà hậu cung hình chữ đinh chia ba gian tiền tế, hai gian cung cấm, khung gỗ, mái lớp ngói ta. Năm 2016, Đền Thượng được tu bổ lại khang trang với 5 gian tiền đường, 5 gian nhà trung đường và 3 gian hậu cung chyạ dọc nối với trung đường thành kiến trúc tiền chữ nhất, hậu chữ đinh. Tu bổ lại cổng nghi môn, cuốn thư phía trước Đền Thượng. Tất cả công trình được làm bằng gỗ tứ thiết chạm trổ công phu với hoa văn lá lật, rồng hoá, mây hoá...

Ảnh: Đền Thượng

     Sau đền thờ Huyền Thiên là chùa Sái thờ Phật có tên là "Sái Sơn tự", với bố cục như trên tổng thể các công trình kiến trúc của đền được cấu trúc kiểu tiền Thần hậu Phật. Chùa Sái Sơn thờ phật theo giáo phái Đại thừa, cũng như các chùa làng ở các nơi trong vùng đồng bằng Bắc bộ, bên cạnh chùa có điện thờ mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Toạ lạc ở vị trí sau đền có kết cấu chữ đinh gồm tiền đường và thượng điện. Nhà tiền đường 7 gian, mặt bằng sáu hàng chân, các vì kèo đỡ mái làm kiểu vì "giá chiêng, kể chuyền trung xà nách, đỡ kẻ chuyền hạ bẩy". Nền chùa lát gạch vuông. Thượng điện hai gian một dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, các bộ vì kèo đỡ mái làm kiểu "giá chiêng kẻ chuyền". Trang trí trên kiến trúc tập trung vào những con rường, đầu dư, đầu bẩy chạm nổi hình rồng mây, rồng lá, các vân mây cuộn, sóng nước thể hiện chau chuốt... chủ đề trang trí thể hiện phong phú ngoài việc làm tăng giá trị thẩm mỹ cho công trình kiến trúc còn tạo ra cảm giác thanh thoát cho khối kiến trúc gỗ của di tích. Bài trí tượng thờ trong chùa về cơ bản vẫn tuân thủ cách bài trí tượng phật truyền thống của phái Đại thừa. Trên phật điện nơi cao nhất là ba pho Tam Thế thường trụ diệu pháp thân, lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà tam tôn, lớp thứ ba là tượng Quan Âm Chuẩn Đề, lớp thứ tư là tượng Ngọc Hoàng, lớp thứ năm là toà Cửu Long và phật Thích Ca sơ sinh. Toà tiền đường có tượng Hộ Pháp, Đức Ông, Thánh Tăng, bát vị Kim Cương. Điện mẫu ba gian kết cấu chữ đinh, tiên tế ba gian, hậu cung hai gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta.

     Trải qua thời gian dài tồn tại khu di tích Đền Sái đã có nhiều biến động đổi thay, qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Sau năm 1954, ngôi đền được tu sửa phần mái, tường bao. Năm 2004 - 2005 nhân dân Thuỵ Lôi đã quyên góp tiền của trùng tu lại toà tiền tế, phục dựng toà hậu cung, lát lại sân, trung tu cổng nghi môn. Năm 2011, Thành phố đầu tư tu bổ tiền đường Đền Sái khang trang. Năm 2016 bằng nguồn vốn xã hội hoá đã tu bổ Đền Thượng khang trang, nâng nền Đền Thượng, mở rộng gian Tiền đường, xây thêm cuốn thư chắn phía trước Đền Thượng, xây thêm cổng nghi môn tứ trụ đền Thượng, sửa sang lát lại toàn bộ sân đền.

Ảnh: Lễ hội Đền Sái

     Lễ hội Đền Sái hay còn gọi lề Lễ rước vua hay lễ rước vủa giả, chính hội được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng Âm lịch nhưng trước đó đã có những việc chuẩn bị như: Bầu chọn người đóng vai vua, chúa, các quan. Theo lệ làng về tuổi, thứ bậc chọn gia đình còn đủ cả ông bà song toàn, con cháu đông đủ. Từ ngày mùng 5 ở đền đã nhộn nhịp các nghi lễ: sửa đường, cắm dinh, ngày mùng 6 - 7 có cỗ thượng thính, lễ thỉnh dinh ngày mùng 10, việc cắm dinh, đóng dinh diễn ra ở đình Thuỵ Lôi. Ngày 11 rước lễ lên đền Sái. Từ sớm ngày 11 đoàn rước vua, chúa, quan Thự Vệ, Đề Lĩnh, Tán Lý, Trấn Thủ cùng các thê thiếp, con cháu lập thành đoàn rước từ đình lên đền. Khi đoàn rước đến trước đền, vua xuống gò Mô Vọng bái vọng về đền tạ ơn trợ giúp của đức thánh Huyền Thiên giúp nước. Kiệu chúa tiếp tục làm lễ ở đền Thượng (quán Minh Không) diễn tả tích chém đầu Bạch Kê Tinh tại hòn đá sau đền, tiết mục này có việc đổ tiết gà hoặc phẩm đỏ tượng trưng. Lễ hội ngày 11 tháng Giêng ở đền Sái là một lễ hội thu hút đông khách thập phương và nhân dân nhất trong năm. Đây là lễ hội rất đặc biệt có một nghi lễ hiếm thấy diễn tả việc vua Thục giao cho nhân dân Thuỵ Lôi được thay mặt mình làm các nghi lễ tế bái yết công tích của đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Ngoài lễ hội, Đền Sái còn tổ chức các nghi lễ vào ngày đản sinh Đức Thánh ngày mùng 2 tháng 3 âm lịch, Lễ hóa của Thánh ngày 9 tháng 9 Âm lịch hàng năm.

     Có thể khẳng định Đền Sái là một công trình kiến trúc tín ngưỡng có lịch sử tạo dựng rất sớm. Tồn tại cho đến ngày nay, nó đã mang trên mình một bề dầy lịch sử hàng nghìn năm; với quy mô kiến trúc rộng lớn, cảnh quan đẹp, những giá trị khoa học, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật hiện có đã đưa di tích vượt ra khỏi không gian hạn hẹp của một làng quê truyền thống để hoà nhập vào kho tàng di sản văn hoá dân tộc. Đây là Đền Sái là một công trình kiến trúc cổ được ra đời với hai chức năng: Nơi phụng thờ và tưởng niệm vị phúc thần có công với dân, với nước theo tín ngưỡng dân gian, nơi tổ chức những sinh hoạt văn hoá của một cộng đồng dân cư. Các công trình kiến trúc được bố cục hài hoà trong một không gian rộng thoáng, các nếp nhà cổ ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ quanh năm xanh tốt, sau đền là một rừng cây tạo cho di tích một vẻ đẹp thâm nghiêm huyền bí. Khối kiến trúc vật chất của đền còn bảo lưu những nét đẹp độc đáo riêng so với các kiến trúc tôn giáo đồng loại hiện còn. Những nét đẹp cổ kính này được khẳng định qua sự tồn tại của các mảng chạm khắc trên cốn nách, đầu dư, rường cốn, bẩy hiên mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, XX, nhà tiền tế, hậu cung được trang trí các hình tứ linh, tứ quý mang đậm phong cách kiến trúc đền thờ thần của người Việt thời hậu Lê. Đó là những tư liệu rất giá trị trong việc tìm hiểu về thời điểm ra đời, về quá trình phát triển kiến trúc đền ở Việt nam qua các thời kỳ lịch sử. Các công tình kiến trúc được bố cục có sự hoà nhập giữa kiến trúc với môi trường tự nhiên xung quanh. Bên trong nhà, lối kết cấu truyền thống vẫn được duy trì, những mảnh chạm phong phú về nội dung, gắn trên các bộ phận kiến trúc đã làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho ngôi đền, qua đó phản ánh tài năng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ nhân đương thời.

     Bộ sưu tập hiện vật trong di tích hiện còn rất phong phú đa dạng. Ngoài giá trị lịch sử, các di vật còn được chạm khắc tinh xảo, mang giá trị thẩm mỹ cao, các đề tài quen thuộc như "tứ linh", "phượng vũ", hổ phù, rồng mây, qua đó người nghệ nhân đã gửi gắm những ước mong, nguyện vọng của người dân làm nghề nông cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, dân khang vật thịnh. Đặc biệt là tấm bia đá có niên hiệu thời Mạc và bia niên hiệu triều Lê là nguồn sử liệu quý giá góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về địa danh lịch sử, phong tục tập quán của nhân dân địa phương đồng thời cho thấy vai trò to lớn của vị thần hoàng làng đối với đời sống tâm linh của nhân dân thôn Thuỵ Lôi. Tại di tích còn có các viên gạch thời Lê (lát nền hậu cung), tượng thánh Huyền Thiên là những tác phẩn nghệ thuật độc đáo có giá trị.

     Đền Sái, núi Sái bao gồm một quần thể di tích có nhiều các công trình kiến trúc cổ kính, độc đáo lại ngự trên một quả núi cao nổi giữa cánh đồng có ao, ngòi, sông lạch kế tiếp tạo nên một khung cảnh hiếm có mà các di tích trong vùng không thể có được nét dị biệt này tạo cho cụm di tích một giá trị độc đáo. Du khách đến tham quan di tích không chỉ thoả mãn nhu cầu sinh hoạt tâm linh mà còn được thụ hưởng một không khí tươi mát với một cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình. Đặc biệt là được nghỉ ngơi thư giãn trong một khung cảnh thiên nhiên như một bảo tàng sinh thái.

     Đền Sái cùng với đình Nhội là trung tâm sinh hoạt văn hoá tâm linh của một cộng đồng dân cư, là nơi dân làng tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm để tưởng nhớ công lao của thần. Hội làng là nơi hội tụ của mọi người dân trong cộng đồng để giao lưu văn hoá, nơi bảo lưu những giá trị văn hoá phi vật thể quý báu của cha ông từ ngàn đời lưu lại cho hậu thế.

     Di tích đã và vẫn là vốn cổ quý giá trong việc giáo dục phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và cần được trân trọng, giữ gìn, bảo quản.